Trước đây, toàn bộ thiết bị các trạm biến áp theo kiểu truyền thống được điều khiển bằng tay, việc theo dõi, ghi thông số vận hành được nhân viên vận hành xem trực tiếp trên đồng hồ, các ô đèn trên tủ bảng… Việc này mất rất nhiều thời gian và tốn công sức. Theo mô hình trạm biến áp có người trực kiểu truyền thống, mỗi trạm có 10 ÷ 15 người chia ca trực 24/24 làm nhiệm vụ thường xuyên theo dõi vận hành.
Hiện nay, việc thu thập thông số kỹ thuật trạm biến áp không người trực được thực hiện tự động. Tính cuối tháng 5/2024, EVNHANOI đang quản lý 64 trạm 110/220kV với tổng công suất 9.228MVA, trong đó đã có 60/64 trạm biến áp thực hiện không người trực; 04 trạm biến áp đang đưa vào chế độ thao tác xa để đánh giá và tiếp tục chuyển đổi chế độ không người trực. Tất cả việc thao tác đóng cắt, điều khiển thiết bị tại trạm được tiến hành ngay tại trung tâm điều khiển xa thông qua hệ thống thiết bị hiện đại. Với việc ứng dụng các cảm biến thông minh đo lường các thông số kỹ thuật như dòng điện, điện áp, nhiệt độ; giám sát an ninh; hệ thống báo cháy, báo khói tự động... được truyền dữ liệu về hệ thống giám sát và điều khiển từ xa (SCADA).
Thông qua việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ trung tâm điều khiển đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì, bảo dưỡng, xử lý sự cố, qua đó giảm thời gian mất điện. Hơn nữa, các trạm biến áp không người trực cũng góp phần giảm sự cố do thao tác nhầm do người vận hành, đồng thời nâng cao độ an toàn, tin cậy trong công tác vận hành.
Ông Nguyễn Đăng Thiện - Phó Giám đốc, Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội chia sẻ: “Cùng với phần mềm điều khiển hiện đại, thông qua các khoá liên động sẽ khắc phục hoàn toàn những sai sót có thể xảy ra do yếu tố con người. Bảo đảm yếu tố an toàn, đồng thời giải phóng bớt khối lượng công việc cho toàn bộ kíp trực. Đặc biệt là trong thời tiết mưa bão nhờ việc vận hành, điều khiển có thể thực hiện ngay tại trung tâm điều khiển xa. Lực lượng công nhân vận hành phải trực tại trạm cũng đã giảm được 70 ÷ 80% so với trước đây”.
“Trong mỗi ca trực vận hành tại trung tâm điều khiển, Đơn vị quản lý vận hành chỉ cần bố trí ít nhất 02 nhân viên vận hành trực ca, trong đó có 01 người đảm nhiệm chức danh Trưởng ca hoặc Trưởng kíp. Nhân viên vận hành trực ca tại trung tâm điều khiển được Đơn vị quản lý vận hành quy định chi tiết và phân công nhiệm vụ cụ thể”, Ông Thiện chia sẻ thêm.
Việc xây dựng và đưa vào vận hành trạm biến áp không người trực không những góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, tạo ra bước đột phá trong điều khiển theo dõi, cập nhật tình trạng hoạt động của máy móc, thiết bị tại trạm biến áp mà còn tối ưu hóa nhân lực, tăng năng suất lao động trong công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng.
Trong thời gian tới, EVNHANOI sẽ tiếp tục triển khai trạm biến áp số để tăng tính chính xác, tính dự phòng và độ tin cậy cung cấp điện và sử dụng hiệu quả tối đa các bộ dữ liệu được thu thập để phục vụ công tác giám sát, quản trị và dự báo trong công tác vận hành.