Hình thức “sở hữu” ô tô linh hoạt kiểu mới.
Theo thống kê, trong những năm gần đây tại Mỹ, thuê xe (leasing) chiếm khoảng 1/3 tổng số xe mới bán ra, thậm chí lên đến 60-70% ở phân khúc xe hạng sang. Theo DreamLease, tại Anh, tỷ lệ này vào khoảng 20-30% và tại châu Âu là hơn 25%, trong đó đang dẫn đầu xu hướng là Đức, Pháp và Tây Ban Nha (theo McKinsey).
Tại Mỹ và các nước châu Âu, lý do chính khiến nhiều người lựa chọn giải pháp thuê xe là chi phí hàng tháng thấp hơn, thời hạn thuê linh hoạt và các gói dịch vụ đi kèm. Đặc biệt, hình thức này cũng giúp người dùng có cơ hội sở hữu những mẫu xe mới nhất, trải nghiệm công nghệ mới một cách dễ dàng cùng mức chi phí hợp lý.
Điều này đặc biệt đúng với những người dùng trẻ chưa có nhiều tích lũy để sớm sở hữu một mẫu xe mới. Andrea Nguyen, một sinh viên gốc Việt đang học tập tại bang California (Mỹ), chia sẻ:
“Tôi đã quyết định thuê xe vì hình thức này cho phép tôi linh hoạt thay đổi xe sau một vài năm. Như vậy, tôi có thể lái các mẫu xe mới nhất mà không phải lo chi phí khấu hao hay bảo dưỡng”.
Không chỉ với khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp tại Mỹ, châu Âu cũng đang coi thuê xe là lựa chọn tài chính tối ưu. Số liệu thống kê tại Đức chỉ ra, gần 80% lượng xe doanh nghiệp là xe thuê.
Đáng nói là người dùng thế giới đang có xu hướng thuê ô tô điện. Theo thống kê từ IEA, tỷ lệ khách hàng tại châu Âu thuê xe sử dụng năng lượng sạch đã tăng tới 40% trong năm 2023. Ưu thế về công nghệ, trải nghiệm di chuyển cũng như lợi ích với môi trường là lý do ngày càng nhiều khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp lựa chọn xe điện.
Tiềm năng lớn ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, thị trường cho thuê xe cũng đang được đánh giá là có tiềm năng lớn. Báo cáo của Công ty nghiên cứu Report Ocean dự báo, quy mô thị trường thuê xe tại Việt Nam sẽ cán mốc tỉ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) trong giai đoạn 2024-2032 lên tới gần 14%.
Ông Hoàng Tùng, một người theo dõi thị trường xe lâu năm tại Hà Nội đánh giá, thị trường cho thuê xe Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng nhanh bởi 3 lý do cơ bản. Thứ nhất, nguồn vốn FDI vẫn đang được duy trì mạnh mẽ nên lao động nước ngoài tại Việt Nam ngày càng nhiều. Đây là những người dùng đã quen với “văn hóa thuê xe” tại nước ngoài và thường ưu tiên dịch vụ này.
Lý do thứ 2 theo ông là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch. Sau giai đoạn 2020-2022, lượng du khách quốc tế đã phục hồi, thậm chí tăng mạnh tạo nên dòng cầu lớn từ nhóm khách hàng này. Đặc biệt, lý do thứ 3 theo ông là quá trình đô thị hóa, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng nhanh, đặc biệt là khách hàng trẻ - những người có xu hướng hiện đại, linh hoạt, thích trải nghiệm công nghệ mới.
“Xu hướng thuê xe sẽ nhanh chóng phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là khi xuất hiện các doanh nghiệp có tiềm lực lớn, chất lượng xe tốt đi cùng gói dịch vụ toàn diện, dễ tiếp cận, thủ tục đơn giản”, ông Hoàng Tùng nói.
Theo vị chuyên gia, hình thức thuê xe thực tế đã được triển khai ở Việt Nam trong những năm gần đây nhưng chủ yếu theo mô hình nhỏ lẻ, chưa bài bản và thiếu đột phá. Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng lớn cùng cú hích mới đây là mô hình cho thuê xe điện của FGF – Công ty mới thành lập bởi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, thị trường thuê xe sẽ trở nên sôi động hơn rất nhiều.
Ngoài mức giá được đánh giá là hợp lý, linh hoạt theo ngày/tháng/năm, theo giới chuyên gia, người dùng Việt sẽ lần đầu được trải nghiệm dịch vụ thuê xe “nhiều không”: không chi phí nhiên liệu; không phí bảo trì đường bộ, không bảo hiểm vật chất xe (đã bao gồm trong chi phí thuê xe), xe không khói, không mùi xăng.
“Bản thân xe điện VinFast đã và đang hấp dẫn đông đảo người dùng trong nước. Với mô hình cho thuê xe điện độc đáo, nhiều người chưa có điều kiện hoặc có xu hướng linh hoạt trong sở hữu có thể sẽ chọn loại hình mới này. Đây sẽ là lực đẩy cho thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam”, ông Hoàng Tùng đánh giá.